Thứ Ba, 7 tháng 9, 2021

Tập trung xây dựng thị trấn Giồng Riềng đạt đô thị loại IV trong giai đoạn 2021-2025

0

 Nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thị trấn Giồng Riềng đạt đô thị loại IV, xã Long Thạnh đạt đô thị loại V theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng bộ huyện Giồng Riềng, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra; Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đề ra Nghị quyết Chuyên đề về xây dựng thị trấn Giồng Riềng là đô thị loại IV trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Anh 1.jpg

Một góc thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng. Ảnh: Trần Anh


Giồng Riềng là huyện nông nghiệp nằm trong vùng Tây sông Hậu, thuộc vùng sâu của tỉnh, cách trung tâm tỉnh khoảng 35 km về phía Đông Nam, có diện tích tự nhiên 63.936,27 ha. Huyện có 19 đơn vị hành chính cấp xã (18 xã và 1 thị trấn), có 128 ấp, khu phố; dân số 225.747 người. Địa hình của huyện tương đối bằng phẳng, có nhiều kênh rạch, đất đai màu mỡ, nước ngọt hầu như quanh năm, khí hậu ôn hòa, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển nền nông nghiệp toàn diện. Năm 2020 huyện Giồng Riềng được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn huyện Nông thôn mới.

 Riêng thị trấn Giồng Riềng vừa được tỉnh công nhận là đô thị loại V; Ủy ban nhân dân huyện công nhận thị trấn Giồng Riềng đạt đô thị văn minh. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu xây dựng huyện Giồng Riềng là đô thị vùng Tây Sông Hậu thuộc tỉnh Kiên Giang, đây là cơ hội để huyện tranh thủ các nguồn lực để nâng cấp thị trấn Giồng Riềng lên đô thị loại IV trong thời gian tới. Đến nay, thị trấn Giồng Riềng đạt 42/51 tiêu chí của đô thị loại IV. Tuy nhiên, còn một số tiêu chí chưa đạt như: quy mô dân số toàn đô thị đạt 19.887 người (yêu cầu 50.000 người), đạt 39,77%; diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 26,5 m2/sàn/người (yêu cầu 29m2/sàn/người); tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt thấp (55% toàn đô thị), nhà tang lễ và khu xử lý nước thải chưa được đầu tư; hạ tầng giao thông đầu tư chưa đồng bộ.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng thị trấn Giồng Riềng đạt đô thị loại IV trong giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy trong xây dựng phát triển đô thị.Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ ngang tầm nhiệm vụ; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; phát huy truyền thống văn hóa, tinh thần tiên phong, năng động, sáng tạo. Chú trọng làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, huy động các nguồn lực xây dựng thị trấn Giồng Riềng đạt đô thị loại IV vào năm 2025 và trở thành thị xã đến năm 2030.

Hai là, khẩn trương quy hoạch, định hướng, chỉnh trang phát triển đô thị. Cụ thể hóa công tác quản lý và tổ chức thực hiện tốt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện đến năm 2025 và Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Giồng Riềng đến năm 2040. Đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác quy hoạch, chương trình phát triển đô thị làm cơ sở đề xuất giải pháp tập trung khắc phục, xác định danh mục dự án ưu tiên đầu tư và tập trung nguồn lực thực hiện, tránh dàn trải.

Từ năm 2022-2023, tập trung ưu tiên triển khai các danh mục dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo lộ trình đầu tư xây dựng các khu vực phát triển đô thị. Quy hoạch định hướng khu vực, vị trí danh mục công trình thuộc dự án kêu gọi đầu tư khu đô thị mới tại khu quy hoạch phát triển khu hành chính cũ huyện Giồng Riềng và các dự án khu III, khu IV, đặc biệt là khu V (khu tây thị trấn); đầu tư xây dựng cầu, đường tuyến tránh đi qua trung tâm thị trấn Giồng Riềng theo quy hoạch. Lập đề án, chương trình phát triển đô thị loại IV và quy hoạch chung đô thị thị trấn Giồng Riềng.

Bằng các nguồn lực của Nhà nước và xã hội hóa kêu gọi đầu tư phát triển khu dân cư đô thị để tăng tỷ lệ dân số nội ô và phục vụ cho yêu cầu phát triển thương mại dịch vụ đô thị. Quy hoạch xây dựng hệ thống giao thông nội ô thị trấn đảm bảo thông thoáng, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xanh - sạch - đẹp phục vụ tốt hơn nhu cầu sinh sống của người dân đô thị. 

Ba là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về phát triển đô thị. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước toàn diện về đô thị. Kiểm soát chặt chẽ phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, quy chế quản lý kiến trúc đô thị. Đảm bảo vùng bảo vệ cảnh quan các khu di tích lịch sử văn hóa theo quy định. Quản lý nghiêm việc cấp phép xây dựng công trình trên địa bàn. Ban hành và tổ chức thực hiện quy chế quản lý quy hoạch đô thị và trật tự đô thị; lập quy hoạch, kế hoạch quản lý tốt về đất đai đô thị. Triển khai tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin về các quy hoạch đô thị; quản lý quy hoạch, kiến trúc quy hoạch; cắm mốc quản lý quy hoạch. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động quy hoạch đô thị, trật tự đô thị. 

Bốn là, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế đô thị. Triển khai lập quy hoạch phân khu phát triển thương mại, dịch vụ để thị trấn Giồng Riềng trở thành trung tâm đầu mối kinh tế của huyện. Phát huy tiềm năng, thế mạnh về nông sản, thực phẩm, hàng hóa, cây ăn trái sẵn có tại địa bàn thị trấn, mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu. Tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật kết nối với khu vực chế biến nông sản thực phẩm; công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; cơ khí và các làng nghề truyền thống; gắn với du lịch sinh thái đồng bộ. Hình thành chợ đầu mối về hàng hóa nông sản của huyện và các huyện lân cận. Khuyến khích các loại hình kinh doanh tổng hợp như siêu thị, bách hóa tổng hợp, nhà hàng, khách sạn và các loại hình dịch vụ phục vụ cho nhu cầu người dân đô thị.

Năm là, hoàn thành kết cấu hạ tầng đô thị theo tiêu chí. Tăng cường quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, xây dựng kế hoạch cụ thể về lộ trình và triển khai có hiệu quả các giải pháp thực hiện đạt các tiêu chí đô thị loại IV, nhất là các tiêu chí khó thực hiện như: hạ tầng giao thông, môi trường, quy mô dân số, diện tích sàn nhà ở bình quân, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, khu xử lý nước thải, thoát nước, nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt.

Tập trung đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, cải tạo hoàn thiện hệ thống chiếu sáng công cộng khu vực nội thị, ngoại thị và các trục đường chính; xây dựng các tuyến đường giao thông đạt chuẩn đô thị, chuẩn phòng cháy chữa cháy; củng cố và hoàn thiện kết cấu hạ tầng điện thắp sáng, bưu chính viễn thông, hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Chỉnh trang đô thị hiện có và hình thành một số điểm nhấn trong phát triển đô thị, phát triển không gian kiến trúc xanh, nhà phố theo kiểu mẫu, thân thiện với môi trường để thị trấn phát triển đa dạng tương xứng với chức năng là trung tâm kinh tế - văn hóa của huyện.

Sáu là, xây dựng môi trường đô thị. Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, nâng cao trình độ dân trí, ý thức, trách nhiệm của người dân. Kết hợp hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và môi trường trong phát triển đô thị, bảo đảm tiêu chuẩn đô thị sinh thái, khu vực sinh thái “xanh, sạch, đẹp", tạo lập nếp sống văn minh. Phát triển đồng bộ thiết chế văn hóa; đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, xây dựng môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh, đầu tư các không gian văn hóa công cộng, khu công viên, vườn hoa, sân chơi, bãi tập, khu vui chơi, giải trí cho nhân dân... Hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải; thu gom rác, tiến tới phân loại ngay tại nguồn và xử lý toàn bộ chất thải rắn phát sinh tại các khu vực gồm: rác thải sinh hoạt, chất thải y tế, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại; nâng cao mật độ cây xanh trong khu vực nội thị và toàn đô thị.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh chống lại các biểu hiện tiêu cực, vi phạm về đạo đức, lối sống và tệ nạn xã hội; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường lành mạnh thuận lợi an toàn cho hoạt động thương mại, dịch vụ, sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. 

Bảy là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Quan tâm đào tạo, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển đô thị; giáo dục kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực từ cơ bản đến chuyên sâu. Tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để đào tạo lao động gắn với nhu cầu việc làm, yêu cầu về trình độ công nghệ, ngành nghề sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ có năng lực, trình độ để quản lý đô thị nhất là quản lý quy hoạch, xây dựng, đất đai và chương trình phát triển đô thị; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động quản lý quy hoạch đô thị. 

Tám là, về nguồn vốn thực hiện. Dự kiến cơ cấu các nguồn vốn đầu tư phát triển nâng cấp đô thị bao gồm: Nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 huyện phân bổ cho thị trấn Giồng Riềng; nguồn vốn ngân sách huyện kết dư hàng năm để đầu tư phát triển phục vụ nâng cấp đô thị; nguồn vốn ngân sách do tỉnh hỗ trợ theo lộ trình phát triển đô thị; nguồn vốn kêu gọi đầu tư xã hội hóa từ doanh nghiệp và vận động nhân dân. Tranh thủ các nguồn lực từ xã hội hóa, vốn ngân sách và sự đóng góp của người dân tại địa phương; ưu tiên sử dụng vốn ngân sách thực hiện chương trình, dự án xây dựng giai đoạn 2020-2025 sau khi thông qua Hội đồng nhân dân huyện về xây dựng thị trấn Giồng Riềng đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV.

Trần Văn Thanh

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Giồng Riềng


Author Image

About Phan Thị Phương Chi
Soratemplates is a blogger resources site is a provider of high quality blogger template with premium looking layout and robust design

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét