Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2021

Đặc điểm tình hình chung về vị trí địa lý, kinh tế, xã hội, lịch sử huyện U Minh Thượng

0


 

Huyện U Minh Thượng được thành lập ngày 10/5/2007, theo Nghị định 58/2007/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở chia tách từ 3 huyện An Biên, An Minh và huyện Vĩnh Thuận, có vị trí địa lý:

·        Phía đông giáp huyện Vĩnh Thuận

·        Phía tây giáp 2 huyện An Biên và huyện An Minh

·        Phía bắc giáp huyện Gò Quao

·        Phía Nam giáp huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau

U Minh Thượng có 6 xã (An Minh Bắc, Minh Thuận, Thạnh Yên, Thạnh Yên A, Vĩnh Hòa, Hòa Chánh), 57 ấp và 438 Tổ nhân dân tự quản; diện tích tự nhiên 43.270,3 ha. Dân số 17.171 hộ, 73.042 khẩu; trong đó, tộc người Kinh chiếm 91,13%, tộc người Khmer chiếm 8,6% và còn lại là tộc người Hoa chiếm 0,27%. Cộng đồng các dân tộc trong huyện vốn có truyền thống đoàn kết, yêu nước, gắn bó với sự nghiệp cách mạng của dân tộc do Đảng lãnh đạo.

Về tôn giáo: U Minh Thượng có 6 tôn giáo được công nhận pháp nhân hoạt động: Phật giáo, công giáo, cao đài, tịnh độ cư sĩ phật giáo, phật giáo hòa hảo, tin lành, có cơ sở thờ tự và điểm nhóm sinh hoạt trên địa bàn 5/6 xã, tổng số 8.640 tín đồ, chiếm 12,38% dân số toàn huyện. Trong đó, phật giáo 6.788 tín đồ (hệ phái nam tông là 5.522 tín đồ, hệ phái bắc tông 1.266 tín đồ), công giáo 900 tín đồ, cao đài 350 tín đồ, tịnh độ cư sĩ phật giáo 80 tín đồ, phật giáo hòa hảo 386 tín đồ, tin lành 136 tín đồ. So năm 2003 phật giáo tăng 4.647 tín đồ; công giáo tăng 200 tín đồ; cao đài tăng 245 tín đồ; phật giáo hòa hảo tăng 239 tín đồ, tịnh độ cư sĩ tăng 30 tín đồ, tin lành tăng 76 tín đồ.

Toàn huyện có 12 cơ sở thờ tự, bao gồm 3 chùa khmer nam tông (huyện có 1 chùa Nam tông Khmer được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh); 5 chùa thuộc hệ phái bắc tông, 01 nhà thờ công giáo, 01 thánh thất cao đài; 01 hội quán hưng hòa tự; 01 ban trị sự phật giáo hòa hảo. So năm 2003 tăng 03 cơ sở thờ tự và còn có 04 điểm nhóm tin lành.

Tổng số có 76 chức sắc, chức việc, nhà tu hành (tăng 30 so với năm 2003); trong đó phật giáo nam tông có 37 sư sãi (có 03 đại đức trụ trì chùa), phật giáo bắc tông có 05 sư cô trụ trì, 05 ban hộ tự (15 người), ban trị sự và ban cai quản họ đạo cao đài 06 người, Ban y tế phước thiện (Tịnh độ cư sĩ) 09 người, Nhà thờ công giáo có 01 linh mục chánh xứ và 04 thành viên hội đồng mục vụ, Ban trị phật giáo hòa hảo có 05 người, mỗi điểm nhóm tin lành có 01 trưởng nhóm.

Văn hóa-xã hội:  Các phong trào văn hóa, thể dục thể thao được thực hiện khá tốt. Thực hiện tốt quy ước ấp văn hóa cho 49/57 ấp. Toàn huyện có 15.470/16.873 hộ gia đình đăng ký doanh hiệu gia đình văn hóa;có 57/57 ấp đạt danh hiệu văn hóa và 90/90 cơ quan, đợn vị đạt chuẩn văn hóa.

Về kinh tế : Thế mạnh của huyện là nông nghiệp, thủy – hải- sản, lâm nghiệp và dịch vụ du lịch.

Diện tích sản xuất lúa là 23.868 ha, năng suất bình quân đạt 5,46 tấn/ha. Trong đó lúa chất lượng cao chiếm 95%. Vụ lúa mùa và đông xuân năm 2020-2021 gieo, cấy được 13,584,2 ha.

Diện tích khóm 995 ha, chuối 2.302 ha, cây ăn trái 440,7 ha, các loại hoa màu có 2.270 ha, diện tích mía hiện còn 1.021 ha, giảm 40,5% so năm 2019.

Về thủy sản: Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 12.104 ha, sản lượng đạt 5.618 tấn. Trong đó tôm nuôi diện tích 8.908 ha, năng suất bình quân đạt 499,6kg/ha, sản lượng đạt 4.451 tấn; cá nước ngọt diện tích nuôi là 3.196 ha, năng suất bình quân 365,1 tấn.

Hiện nay huyện còn duy trì các mô hình sản xuất có hiệu quả như: mô hình cánh đồng mẫu lớn; trồng bắp nếp; trồng xoài, bưởi da xanh trong vùng đệm; nuôi cá trê vàng luân canh trong ruộng lúa; nuôi tôm kết hợp cua và trồng lúa.

Về chăn nuôi thú y: Nhân dân tái đàn heo được 8.066 con; trâu, bò, dê 610 con, đàn gia cầm 105.324 con.

Về phát triển kinh tế tập thể cũng được huyện quan tâm đầu tư hỗ trợ trang thiết bị trên 250 triệu đồng. đến nay toàn huyện có 52 tổ hợp tác với 789 tổ viên; 8 tổ hợp tác xã và 01 quỹ tín dụng nhân dân, với 1.696 thành viên.

Về thương mại – du lịch: năm 2020 vườn quốc gia U Minh Thượng đã tiếp đoán 37.000 lượt du khách đến tham quan, nghiên cứu, doanh thu đạt 3,3 tỷ đồng giảm so với năm 2019 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Về xây dựng nông thôn mới: Tổng huy động vốn toàn xã hội được 700 tỷ đồng, chủ yếu là các công trình xây dựng cơ bản, thủy lợi, điện, các công trình văn hóa, trường học, y tế,… Triển khai thực hiện tuyến đường hoa dài 40km, điện thắp sáng đường quê dài 23 km. Hiện nay huyện có 3/3 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Vình Hòa, Thạnh Yên, Thạnh Yên A), đã hoàn thành thủ tục đề nghị tỉnh thẩm định xã Hòa Chánh đạt chuẩn nông thôn mới, xã Minh Thuận và xã An Minh Bắc đạt 15/19 tiêu chí.

Về giáo dục và đào tạo: Năm học 2019-2020 có 358/360 thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT, đạt 99,4%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình giáo dục mầm non 100%, hoàn thành chương trình tiểu học 98,4% và học sinh được công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 99,1%. Năm học 2020-2021 huy động 13.803 học sinh ở các cấp học đến trường, trong đó trẻ 5 tuổi mẫu giáo 99,4%; trẻ 6 tuổi vào lớp 1, đạt 100%; học sinh từ 6-14 tuổi đi học đạt 99,49%. Thực hiện ghép các điểm trường theo quy định từ 33 điểm trường xuống còn 31 điểm trường. Có 01 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia cấp độ I, có 14/31 trường đạt chuẩn quốc gia; duy trì 31/31 trường xanh – sạch – đẹp và an toàn. Toàn huyện có 3 trường THPT.

Về lịch sử: Sử sách kể rằng, từ buổi đầu xa xưa khi người dân đất Việt đi tìm đường mở cõi đến vùng đất mới này, thấy quang cảnh âm u vắng lặng, rừng cây rậm rạp đến nỗi ánh nắng mặt trời không lọt vào được nên cất lên tiếng gọi “U Minh”. Đó là cụm từ chỉ chung về miền đất ấy chứ không phải là tên rừng. Như thế hai chữ “U Minh” khởi nguồn từ thực tế “Tăm tối, u mê” của một vùng đất rừng chưa có con người khai mở. Tên gọi ấy mãi sau này, chỉ khoảng nửa thế kỷ trở lại đây, người dân mới gắn U Minh với tên rừng, gọi là rừng U Minh. Bởi khi đó, vùng đất này có nhiều lưu dân đến khai phá nên U Minh đã bị phân hóa thành ruộng, vườn,... và nó trở thành danh từ riêng để chỉ về một địa danh.

U Minh nói chung (bao gồm cả U Minh Hạ và U Minh Thượng) là một vùng rừng ngập mặn thuộc lưu vực sông Cửu Long, nằm trên phần đất của cả 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang, có tổng diện tích khoảng 30 nghìn hacta.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân pháp và đế quốc Mỹ, địa bàn U Minh phần lớn nằm ở các huyện Vĩnh Thuận, An Minh, An Biên của tỉnh Kiên Giang và các huyện U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau. Dòng sông Trẹm và sông Cái Tàu chi U Minh thành hai vùng là U Minh Thượng và U Minh Hạ. Trong đó, U Minh Thượng chủ yếu nằm ở phía bắc sông Trẹm.

Trong nội dung này, chỉ nói về U Minh Thượng.

Khi nói đến U Minh Thượng là nói đến một vùng căn cứ địa cách mạng nổi tiếng ở miền tây nam bộ, là nói đến bề dày lịch sử hào hùng với những tên đất, tên người gắn liền với bao chiến công oanh liệt. Nhân dân U Minh Thượng đã tạo thành căn cứ địa cách mạng vững chắc ở miền tây nam bộ trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân pháp và đế quốc Mỹ. Biết bao sự kiện, bao diễn biến trực tiếp tác động tới công cuộc kháng chiến diễn ra ở đây đã tự nói lên tiêu chí của một di tích lịch sử cách mạng; là hình ảnh biểu trưng trong trăm ngàn cái cụ thể sinh động, để xác định đây là một bộ phận hợp thành của di sản văn hóa mang đậm bản sắc Việt Nam, và đó là “Di tích lịch sử căn cứ địa cách mạng U Minh Thượng”.

Huyện U Minh Thượng có nhiều nơi được nhắc đến về những trận đánh lịch sử oai hùng, những địa danh từ những trận lịch sử lớn lao như trận đánh “Ngã ba Cây Bàng (13/6/1946) thuộc xã Vĩnh Hòa; Chiến thắng Ngã Tư Công Sự ngày 13/2/1960 phá kế hoạch địch bình định U Minh,... Các xã có lịch sử oai hùng như: xã Vĩnh Hòa, Hòa Chánh, Minh Thuận, An Minh Bắc và Thạnh Yên.


Author Image

About Phan Thị Phương Chi
Soratemplates is a blogger resources site is a provider of high quality blogger template with premium looking layout and robust design

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét