
U Minh Thượng là huyện nông nghiệp, trong đó,
lúa được xác định là cây trồng chủ lực góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã
hội của huyện với diện tích canh tác hằng năm là 23.868 ha, năng
suất bình quân đạt 5,46 tấn/ha/năm. Nhiều năm qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn huyện xác định 2 mục tiêu đồng bộ là: Phấn đấu nâng cao năng suất lúa
và tập trung phát triển các giống lúa đặc sản để nâng cao giá trị trên cùng một
đơn vị diện tích, gia tăng thu nhập cho nông dân.
Vụ lúa hè thu năm 2021, nông dân trên địa bàn huyện U Minh Thượng gieo, cấy được
hơn 13.584,2 ha lúa, đạt 82,32% kế hoạch.
Nói về quá
trình sản xuất vụ Hè Thu năm nay, nông dân ở huyện U Minh Thượng đã sản xuất trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi,
ít ảnh hưởng của hạn, mặn, do vậy đạt năng suất khá. Tuy nhiên, khi bước vào
thu hoạch, giá lúa đột ngột giảm mà theo nhiều nông dân cho rằng, nguyên nhân
do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dẫn đến khó khăn trong khâu tiêu thụ. Mặc
dù, thuận lợi về nguồn nước khi tình hình khô hạn, xâm nhập mặn ở U Minh Thượng
nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung đầu năm 2021 không gay gắt như dự báo
tuy nhiên, nông dân vẫn phải đối mặt với một số khó khăn, khiến chi phí sản
xuất tăng như: thời tiết nắng nóng kéo dài, dịch bệnh, cộng thêm giá các loại
phân bón tăng mạnh từ đầu năm dẫn đến chi phí sản xuất tăng.
Hiện, giá nhiều loại
phân bón như: Urê, DAP và NPK tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn
huyện đã tăng giao động từ 50.000 - 250.000 đồng/bao so với thời điểm cuối năm
2020 và đang ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua. Các loại thuốc trừ sâu bệnh
cũng tăng 20.000 - 30.000 đồng/chai tùy loại.
Về cơ cấu
giống là các giống lúa chất lượng cao như: OM 5451, Đài thơm; trong đó, giống
IR50404 – giống cho gạo phẩm cấp thấp nhưng vẫn được nhiều nông dân ưa thích do
ít sâu bệnh, năng suất cao, chi phí ít chiếm 10% trên tổng diện tích xuống
giống.
Hiện nay trên địa
bàn huyện U Minh Thượng, tại một số đồng ruộng đã gặt xong ở các xã như: Hòa
Chánh, Vĩnh Hòa, Minh Thuận năng suất từ 700 - 850 kg/công. Với giá bán lúa tươi
từ 4.800 đồng/1kg đến 5.400 đồng/kg tùy giống lúa, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận
của nông dân thu được khoảng 1.000.000- 1.500.000 đồng/công.
Như vậy, sau hơn 3
tháng miệt mài trên đồng ruộng, bán lúa ở thời điểm này, với 1 ha đất trồng lúa
chỉ thu được khoảng 7 triệu đồng đến 10 triệu 500 ngàn đồng, sau khi trừ hết
các chi phí đầu tư như: tiền lúa giống, phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, phí thuê
máy gặt...
Với quán tính sản xuất “thấy người ăn
khoai vác mai đi đào”, năm nay giống nào dễ bán sang mùa đua nhau trồng, người
nông dân vô tình phá vỡ quy hoạch về giống cũng như diện tích gieo trồng, tạo
nên hiện tượng ép giá của các thương lái. Tình trạng “được mùa, mất giá”, “mua đắt, bán rẻ” vẫn thường xuyên
xảy ra làm cho đời sống của người nông dân thêm bấp bênh.
Từ thực tế nêu trên, ngành Nông nghiệp huyện rút
ra nhiều kinh nghiệm: Phải sớm chủ động trong việc liên kết, hợp đồng với các
chủ máy gặt, thương lái, doanh nghiệp mua lúa; quan tâm tháo gỡ các khó khăn cho
người nông dân. Về lâu dài, các hợp tác xã (HTX) trồng lúa trong huyện cần đầu
tư (có sự hỗ trợ một phần từ ngân sách) các thiết bị, máy móc; liên kết chặt
chẽ với HTX trong và ngoài huyện để chủ động trong thực hiện các dịch vụ làm
đất, chăm sóc, thu hoạch, sấy lúa. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động
nhân dân trong huyện tham gia vào hợp tác xã. Khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa cấp xác nhận để gieo sạ,
trong đó phấn đấu đạt tỷ lệ hơn 91% như kết quả ở vụ lúa hè thu vừa qua. Về cơ
cấu giống lúa, hiện nông dân trong huyện đang tập trung gieo sạ các giống theo
khuyến cáo như: OM 5451, OM 6976, OM 4900, OM 18, Đài thơm 8,... Riêng các giống
chất lượng thấp như IR 50404 không gieo sạ quá 10% tổng diện tích lúa Hè thu
theo kế hoạch đề ra trong năm nay nhằm tránh tình trạng gặp khó khăn trong tiêu
thụ. Bởi, qua khảo sát về nhu cầu thị trường xuất khẩu gạo trong thời gian tới
thì Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, gạo thơm các loại (chủ yếu là nhóm
giống lúa OM và Đài thơm) sẽ chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường do nhu cầu nhập
khẩu từ Trung Quốc và châu Âu tăng cao hơn so với cùng kỳ. “Cơ cấu gạo xuất khẩu
của Việt Nam trong năm nay đang tiếp tục khuynh hướng chuyển dịch sang các loại
gạo thơm, gạo trắng chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao. Do đó,
các địa phương của vùng ĐBSCL cần xem xét cơ cấu giống cho vụ đông xuân phù hợp
nhằm mang lại hiệu quả sản xuất cho bà con”.